Công ty Ye Tak Group, một trong những nhà nhập khẩu phân hóa học lớn nhất Campuchia, cho biết hồi năm ngoái họ đã nhập tới 7.000 tấn phân hóa học chất lượng cao từ Việt Nam như phân urê, N-P-K và DAP. Nếu trước đây các loại phân này có thể bán với giá từ 650 USD-1.300 USD/tấn, thì hiện chỉ có thể tiêu thụ với giá từ 280 USD-400 USD/tấn. Do vậy, doanh thu của Ye Tak cũng thấp.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở Công ty Cheam Tech - nhà nhập khẩu phân hóa học từ Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc- khi mức tiêu thụ chỉ đạt khoảng 20 tấn/ngày so với mức trung bình 50 tấn/ngày của năm ngoái.
Lý giải về thực trạng này, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Campuchia (CEDAC), ông Yang Saing Koma cho biết hiện CEDAC nâng cao đáng kể sự hiểu biết của nông dân Campuchia về mức chi phí thấp, cũng như lợi ích từ việc sử dụng các loại phân bón tự nhiên. Ông nói: "Một số nông dân Campuchia hiện đã tiết kiệm được tới 50% chi phí cho phân hóa học bằng cách tự chế phân hữu cơ từ thức ăn thừa, lá cây và phân gia súc".
Ex-M Cambodia, một công ty chuyên nhập khẩu phân hóa học khác của Campuchia, cũng giải thích rằng tình trạng này bắt nguồn từ việc chi phí nguyên liệu đầu vào giảm, và chính phủ một số nước như Trung Quốc và Philíppin đã bãi bỏ các mức thuế đánh vào các loại phân bón xuất khẩu nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Theo kế hoạch, Ex-M Cambodia sẽ nhập khẩu 1.000 tấn phân hữu cơ từ Bỉ trong năm nay, giảm 2/3 so với năm 2008. Mặc dù giá phân hữu cơ rẻ hơn phân hóa học khoảng 40% và cho sản lượng vụ mùa tốt hơn, nhưng ông Chhun Kang, Giám đốc Ex-M Cambodia, cho biết công ty ông sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay.

Nguồn: Internet