Nhiều nhà máy giấy đã đóng cửa. Sản xuất trong nước giảm, nhập khẩu giấy lại tăng mạnh. Vậy ngành giấy trong nước đã chuẩn bị gì để đón việc mở cửa hệ thống phân phối bán lẻ từ 1-1-2009?
Theo Hiệp hội Giấy Việt Nam, thị trường phân phối giấy trong nước manh mún, chủ yếu do những đại lý, cơ sở sản xuất nhỏ làm gia công từ giấy cuộn lớn ra giấy gram, vở tập, giấy văn phòng là những sản phẩm cuối cùng. Các tổ chức, cá nhân mua giấy cuộn về tự xén và tự tìm thị trường. Các văn phòng lớn thường dùng giấy nhập ngoại. Do thị trường giấy tự điều hành là chính, nên việc mở cửa hệ thống bán lẻ chỉ tác động đến những doanh nghiệp (DN) gia công, còn các nhà sản xuất chịu tác động không lớn. Với người tiêu dùng, có lẽ tác động nhất là mặt hàng giấy vở học sinh và giấy tissue. Hiệp hội Giấy Việt Nam cho biết, do trong nước chưa có tổ chức phân phối, bán lẻ chặt chẽ nên phần thiệt thuộc về người tiêu dùng. Với sản phẩm giấy, phần lớn thị trường bán lẻ lại ở khu vực nông thôn nên nhà bán lẻ của nước ngoài muốn thâm nhập phải có thời gian. Do vậy, tác động với ngành giấy chỉ ở thị trường hẹp.
 Mở cửa hệ thống phân phối, bán lẻ từ 1-1-2009, với ngành giấy cũng như một số ngành khác sẽ có một sân chơi bình đẳng cho các DN. Theo đánh giá của Hiệp hội Giấy, việc này tác động đến ngành giấy không hẳn chỉ là khó khăn. Bởi ngành sẽ có nhiều kinh nghiệm để cải tiến hơn quá trình quản lý trong sản xuất và phân phối. Hiệp hội Giấy đưa ra những giải pháp đồng hành cùng cạnh tranh với sản phẩm của nhà nhập khẩu để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Để vừa bảo đảm sản xuất, vừa giữ vững được thị trường tiêu thụ trong cuộc cạnh tranh, trước tiên các DN sản xuất phải rà soát lại hệ thống phân phối bán lẻ của mình nhằm bảo vệ lợi ích của mình cũng như người tiêu dùng. Bên cạnh đó, họ phải nâng cao chất lượng sản phẩm để có giá bán cạnh tranh. Cách thức phục vụ cũng phải tốt hơn, nhưng quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy về thị trường. DN nào không nâng cao được khả năng cạnh tranh tất yếu sẽ mất thị phần. Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Giấy Tân Mai và các công ty khác đang rà soát lại để hệ thống phân phối hoạt động có hiệu quả hơn. Họ đã xây dựng được những đại lý tin cậy, tuân thủ những yêu cầu của nhà sản xuất về giá bán để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà tuy đã tạo dựng được thương hiệu với người tiêu dùng trong nước từ nhiều năm nay, nhưng vẫn tiếp tục có những biện pháp khẳng định uy tín của mình trong thời gian tới để giữ được lòng tin về chất lượng và giá cả. Hồng Hà đang chuẩn bị ra mắt sản phẩm mới, hạn chế độc hại cho môi trường, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng là vở tập có độ trắng 82  ISO.

Trước đây, khi giấy khan hiếm, Hiệp hội chia sẻ với người tiêu dùng bằng việc đề nghị giảm thuế nhập khẩu, nay giấy nhập khẩu lấn át, Hiệp hội đề nghị tăng thuế nhập khẩu trở lại để phục hồi sản xuất trong nước. Bởi, trong một thời gian ngắn, tuy đã 4 lần giảm giá giấy nhưng vẫn không bán được sản phẩm. Từ tháng 8 đến nay, lượng giấy tồn kho của toàn Hiệp hội còn hơn 140.000 tấn, bằng 45 ngày sản xuất, tăng gấp 70 lần so với mức bình thường, cao nhất trong vòng 20 năm qua. Mức khai thác công suất hiện nay của ngành giấy chỉ đạt 25% so với tổng công suất, trong khi đó sản xuất 70% công suất là không có lãi, dưới 60% công suất nguy cơ phá sản là rất rõ. Vì vậy, việc tăng thuế nhập khẩu trở lại với sản xuất giấy là giải pháp cần thiết.

Nguồn: Hà Nội mới ngày