Giá hàng hoá trên thị trường thế giới tuần qua tương đối ổn định sau một tuần giảm giá mạnh. Chỉ số giáhàng hoá Reuters-Jefferies CRB đã giảm 2,3% trong tuần qua và giảm 9% trong 20 ngày đầu tháng.

Cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu, việc thắt chặt tín dụng ở Trung Quốc và lo ngại về các chỉ số kinh tế ở Mỹ đang ảnh hưởng tới toàn thị trường hàng hoá.

Tuy nhiên, theo nguồn tin Bloomberg dẫn báo cáo của hãng Tiberius Asset Management AG thì giá hàng hoá có thể tăng khoảng 17% từ nay tới cuối năm khi các khó khăn hiện tại được giải quyết.

Dự báo chỉ số giá 19 nguyên liệu Dow Jones-UBS Commodity Index sẽ đạt 300 điểm vào cuối năm nay, so với mức 256,63 điểm ngày 14/5/2010.

Vàng

Giá vàng giao ngay đã qua tuần thứ 6 liên tiếp giảm giá. Phiên giao dịch cuối tuần, ngày 21/5/2010, giá vàng ở mức 1177,35 USD/ounce, sau khi đạt kỷ lục cao 1248 USD/ounce một tuần trước đó. Tính chung trong tuần qua, vàng giảm giá 4,6%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2009, do các nhà đầu tư giảm mua vào sau khi thấy Euro tăng giá trở lại. Từ đầu năm tới nay, vàng đã tăng giá 8%. Thị trường ngày càng trở nên nghi ngờ về đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng Euro, điều này gây ảnh hưởng tới các thị trường tài chính. Tuy nhiên vàng không phải là nơi trú ẩn an toàn duy nhất.

Theo MarketWatch, giới đầu tư đang đẩy mạnh bán vàng ra để huy động tiền đầu tư vào các tài sản khác đang rớt giá thảm hại.

Vàng giảm còn do thị trường đang dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không sớm tăng lãi suất cơ bản do tình hình bất ổn tại nhiều khu vực trên thế giới có thể ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, khá nhiều chuyên gia vẫn cho rằng các yếu tố cơ bản vẫn khá tốt và đang ủng hộ cho xu hướng tăng về dài hạn của vàng. Walter de Wet - một chuyên gia phân tích hàng hóa của Ngân hàng Standard Bank tại London nói: “Tôi không nghĩ vàng sẽ giảm mạnh. Các yếu tố hỗ trợ vàng vẫn khá mạnh. Sự giảm giá trong vài ngày qua là do áp lực chốt lãi”. Vàng có thể hướng tới ngưỡng 1.300 USD/ounce vào cuối năm nay, Wet dự báo.

Những phiên gần đây, giá vàng thường theo sát biến động của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ, ngược với mối quan hệ trước đây.

Giá vàng rơi xuống mức thấp nhất trong 2 tuần nhưng sau đó phục hồi trở lại khi nhà đầu tư đẩy mạnh mua vàng do lo lắng về tình hình châu Âu.

Một số chuyên gia phân tích nhận xét thị trường vàng đang theo sát biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ hơn là giữ vai trò công cụ đầu tư an toàn khi thị trường chứng khoán giảm điểm. Những phiên giao dịch trước đó, quan hệ này thường diễn ra ngược chiều khi thông tin kinh tế từ châu Âu ngày một khiến nhà đầu tư lo lắng về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Dù tuần qua, nếu tính cả tuần giá vàng giảm 4%, nhà đầu tư dài hạn vẫn tiếp tục giữ vàng. Họ đang tìm đến công cụ đầu tư an toàn phòng trừ khả năng khủng hoảng nợ châu Âu trở nên tệ hại hơn, ngoài ra khả năng lạm phát tăng cao cũng khiến họ không khỏi lo lắng.

Giá vàng đã leo thang đến 40% kể từ đầu năm 2009 và lập kỷ lục mới 1.250 USD/ounce trong tuần qua. Câu hỏi đặt ra đối với các nhà đầu tư là: bao giờ thì cơn sốt vàng mới chấm dứt?

Đầu năm 2010, người ra vẫn không dùng từ “bong bóng“ mỗi khi nhắc tới vàng. Tuy nhiên, gói cứu trợ gần 1.000 tỷ USD của nhóm quốc gia khu vực đồng euro đã tạo điều kiện lý tưởng cho giá cả leo thang trong nhiều quý tới.

Và nó đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến một nơi an toàn để gửi gắm tài sản trước xu hướng mất giá trên toàn cầu của các loại tiền tệ.

Vàng từ lâu đã là một thiên đường của sự an toàn khi mà các thị trường chứng khoán trên thế giới gặp nhiều rủi ro.

Cú sụt giảm tới hơn 1000 điểm của chỉ số Dow Jones tuần trước vẫn đang trong quá trình điều tra, dù nguyên nhân nhiều khả năng là do trục trặc kỹ thuật nhưng đó vẫn sẽ trở thành một ký ức đen tối khiến thị trường có thể tiếp tục chao đảo.

Tại châu Âu, một số bất ổn đã được giải quyết như cuộc bầu cử tại Anh hay khoản tiền cứu trợ dành cho Hy Lạp.

Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều câu hỏi bỏ ngỏ: phải mất bao lâu thì gói cứu trợ mới được triển khai, và liệu đồng euro có thể tiếp tục tồn tại hay không. Một số người cho rằng khoản tiền cứu trợ sẽ không giúp cho Hy Lạp thoát được nguy cơ vỡ nợ, thậm chí có thể cả trong dài hạn.

Trong khi tất cả các thị trường khác được dự kiến sẽ có nhiều biến động, thì giới đầu cơ chuyên nghiệp tiên đoán rằng giá vàng nhìn chung sẽ tăng cao hơn nữa trong những quý sắp tới.

Adam Klopfenstein, nhà hoạch định chiến lược thị trường của hãng môi giới hợp đồng tương lai Lind-Waldock cho rằng: “Lượng vàng mua vào phần nhiều sẽ thuộc về các nhà đầu tư châu Âu, và sẽ mất ít nhất 6 tháng để họ có thể yên tâm quay trở lại với các khoản đầu tư bằng euro”.

Giám đốc chiến lược của hãng đầu tư T3 Live - ông Scott Redler phát biểu trên CNBC vào hôm thứ tư rằng: giá vàng sẽ chạm ngưỡng 1.400 USD/ounce, và thậm chí có thể lên đến 1.500 USD.

Vàng là tài sản đầu tư hấp dẫn trong thời điểm các loại tiền tệ mất giá. Gói cứu trợ gần 1.000 tỷ USD sẽ khiến khu vực đồng euro ngập chìm trong những dòng tiền từ IMF nhằm mục đích che đậy vá víu lỗ hổng mà khủng hoảng nợ gây ra.

Động thái này gợi nhớ lại quyết định khởi động máy in tiền của Fed vào thời điểm hệ thống tài chính Mỹ sụp đổ, họ đã bơm hơn 1,25 nghìn tỷ USD tiền mặt thẳng vào tài khoản của các ngân hàng cũng như các công ty cho vay thế chấp thuộc sở hữu chính phủ khác (Fannie Mae và Freddie Mac).

Quyết định của các nước châu Âu cho thấy phần lớn trong số những nền kinh tế phát triển ở phương Tây sẽ phải phụ thuộc vào tiền cứu trợ để tiếp tục tồn tại.

Và điều đó có nghĩa là việc đồng USD tăng giá so với euro gần đây không phải là dấu hiệu cho thấy sức mạnh nền tảng của nước Mỹ đã hổi phục hay nhà đầu tư đã hứng thú trở lại với đô la. Nói một cách chính xác thì nó chỉ chứng tỏ rằng USD tương đối an toàn hơn so với những vấn đề mà euro gặp phải.

Sức mạnh tương đối so với đồng euro không phải là thế mạnh thực sự, ít nhất là trong môi trường kinh tế hiện nay: châu Âu và Hoa Kỳ rất có thể sẽ phải nỗ lực chống giảm phát trong một tương lai gần

Tất cả những yếu tố trên đang thúc đẩy giới đầu tư tìm đến các tài sản có giá trị thực nhằm bảo toàn số vốn của mình trong thời kỳ đầy bất ổn hiện nay, xu thế đó sẽ không thay đổi nếu không có sự kiện đặc biệt nào xảy ra.

Vàng từ lâu đã chứng tỏ là một lựa chọn chuẩn xác trong những tình huống như vậy, và tất nhiên trong hoàn cảnh này cũng không có ngoại lệ.

Giá vàng có khả năng giảm không? Tất nhiên là có thể. Giới đầu tư chuyên nghiệp tin rằng một khi thị trường ổn định trở lại, cổ phiếu hồi phục, hướng đi của trái phiếu rõ ràng hơn, và quan trọng nhất là một giải pháp bền vững khắc phục sự phụ thuộc của các nền kinh tế vào dòng tiền cứu trợ được đưa ra – tổng hòa của những yếu tố đó sẽ làm cho giá vàng xuống dốc.

Nhưng dù cho có vô số lý do để kết luận rằng cú leo dốc của giá vàng không thể kéo dài mãi mãi, thì hiện tại vẫn chưa phải là lúc để đặt cược sự đảo chiều sẽ sớm xảy ra.

Platinum, palladium và bạc hồi phục sau khi giảm giá tuần qua. Palladium đã giảm giá 17% trong tuần, trong khi platinum giảm giá 12% và bạc giảm giá 8,7%.

Ngoài nỗi lo về cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu, lo ngại tăng trưởng ở Trung Quốc chậm lại cũng có thể ảnh hưởng tới tiêu thụ hàng hoá nói chung, trong đó có kim loại quý.

Kết thúc tuần, bạc giao ngay ở mức giá 17,9425 USD/oune, trong khi platinum giá 1.514,75 USD/ounce, và palladium ở mức giá 441,75 USD/ounce.

Đồng
Giá kim loại cơ bản tuần qua biến động mạnh theo xu hướng đồng Đôla Mỹ. Hầu hết các kim loại đều giảm giá. Cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng Euro đang đè nặng lên thị trường kim loại. Bên cạnh đó, lo ngại Trung Quốc sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ cũng ảnh hưởng tới thị trường này. Tại New York, mức giá hỗ trợ cho đồng là 305/295 US cent/lb.

Dầu thô

Giá dầu thô trên thị trường New York tuần qua giảm sau khi chạm mức thấp chỉ 65 USD/thùng.

Ngày 20/5, giá dầu mỏ thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng qua sau khi các thị trường chứng khoán sụt giảm do tâm lý lo ngại cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu có thể hạn chế nhu cầu năng lượng trong khi các số liệu mới về việc làm ở Mỹ có dấu hiệu xấu đi đột ngột.

Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng sau đã giảm 1,86 USD xuống còn 68,01 USD/thùng.

Trước đó, giá dầu có lúc giảm hơn 8% xuống còn 64,24 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 30/7 năm ngoái.

Tại London, giá dầu thô Brent biển Bắc giao tháng 7/2010 giảm 1,84 USD xuống 71,84 USD/thùng sau khi đã giảm còn 70,20 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2 tới nay.

Trong 2 tuần qua, dầu đã mất giá khoảng 20% sau khi tái thiết lập mức cao 87 USD/thùng. Bộ Năng lượng Mỹ tuần qua thông báo dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 162.000 thùng lên 362,7 triệu thùng tuần kết thúc vào ngày 14/5/2010. Nguồn cung được dự báo là tăng 500.000 thùng. Dự kiến giá dầu sẽ chưa thể tăng mạnh trong bối cảnh USD tăng giá sẽ gây áp lực giảm giá lên toàn thị trường hàng hoá.

Nhà đầu tư trên thị trường dầu sẽ theo dõi sát sao biến động trên thị trường chứng khoán, thế nhưng cho đến khi họ chắc chắn rằng khủng hoảng nợ châu Âu được kiểm soát và dự trữ dầu đúng với dự báo,

Các thị trường chứng khoán toàn cầu bị sụt giảm do tâm lý lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu cũng như các số liệu mới của Bộ Lao động Mỹ vừa công bố cho thấy lần đầu tiên trong 5 tuần qua, số đơn xin bảo hiểm thất nghiệp mới tăng.

Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đầu tiên là 471.000 trong tuần kết thúc vào ngày 15/5, tăng 25.000 hay 5,6% so với con số 446.000 trong tuần trước đó.

Giá đồng tiền chung châu Âu vẫn yếu bất chấp việc các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro nhất trí lập quỹ chống khủng hoảng trị giá 1.000 tỷ USD (750 tỷ euro).

Trước đó, công ty sản xuất dầu của Libya đã tỏ ý lo ngại về giá dầu giảm, song lại cho rằng không cần thiết phải triệu tập một hội nghị bất thường của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để thảo luận về tình hình này hay thay đổi hạn ngạch sản xuất dầu vì các nước OPEC mong muốn giá dầu thô luôn ở xung quanh mức 70 USD mỗi thùng.

Nhà phân tích độc lập Ellis Eckland cho rằng, những diễn biến trên thị trường chứng khoán và tiền tệ là nhân tố cơ bản chi phối thị trường dầu mỏ trong tuần này. Theo ông, thị trường đang đi theo quan điểm cho rằng thế giới đang rơi vào vòng xoáy giảm phát và các hàng hóa nhạy cảm với tình hình kinh tế vĩ mô sẽ phải chịu sức ép rất lớn.

Giống như các hàng hóa khác, dầu mỏ được coi là khoản đầu tư sẽ giúp bảo toàn nguồn vốn trước sức ép lạm phát.

Bên cạnh đó, giới giao dịch dầu mỏ đang đặc biệt lo ngại về tác động của các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà một số nước Eurozone triển khai đối với tiêu dùng cũng như ảnh hưởng của nó đối với nhu cầu năng lượng.

Ông Mike Fitzpatrick thuộc MF Global cho biết, trước đây ông không bao giờ nghĩ đến việc giá dầu sẽ rơi xuống khoảng 70 USD/thùng chỉ trong vòng hai tuần, mà phải là hai tháng.

Còn theo Serene Lim, nhà phân tích dầu khí ở Singapore của ngân hàng ANZ, giá dầu có thể sẽ tiếp tục giảm nếu lượng dự trữ nhiên liệu này tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất đồng thời cũng là nước tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới, tiếp tục tăng lên.

Hạt tiêu đen

Giá hạt tiêu trên thị trường thế giới tuần qua như sau: hạt tiêu Ấn Độ giá 3.725 USD/tấn, hạt tiêu Việt Nam giá 3.630 USD/tấn, hạt tiêu Brazil giá 3.400 USD/tấn, hạt tiêu Indonexia giá 3.600 USD/tấn.

Sản lượng hạt tiêu thế giới năm 2009/10 dự kiến giảm 9000 tấn xuống 279.650 tấn so với niên vụ 2008/09.

Sản lượng hạt tiêu đen Ấn Độ dự kiến sẽ vào khoảng 45.000 tấn như năm trước hoặc thấp hơn mức đó. Người trồng tiêu nước này đang giữ hàng lại và chưa muốn bán ra ở mức giá thấp như hiện nay. Mỗi ngày có khoảng 30 – 40 tấn hạt tiêu được chuyển đến thị trường. Trong ngắn hạn, dự báo giá hạt tiêu sẽ tăng lên bởi nhu cầu tăng trên thị trường

Ngày 19-5, tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, mấy ngày qua, giá hồ tiêu tại thị trường trong nước trung bình mỗi ngày tăng thêm 1-2 triệu đồng/tấn.

Nếu đầu tuần giá tiêu thu mua chỉ 52-53 triệu đồng/tấn thì ngày 19-5 giá đã lên hơn 55 triệu đồng/tấn. VPA đưa ra cảnh báo, giá hồ tiêu tăng cao như hiện nay là điều kiện rất tốt để ngành hồ tiêu cải thiện chất lượng chứ không phải để ồ ạt tăng diện tích, người dân cần thâm canh theo hướng bảo đảm vườn tiêu phát triển bền vững và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nếu tăng diện tích sẽ đẩy sản lượng tăng lên thì người nông dân sẽ thiệt hại đầu tiên nếu lâm vào tình trạng cung vượt cầu.

Cao su:

Nguồn cung bị thắt chặt đã khiến một vài tàu hàng cao su xuất khẩu của Thái Lan bị chậm trễ, song tình trạng bạo động ở thủ đô Bangkok không mấy ảnh hưởng đến giao dịch trên thị trường do những người biểu tình không đi vào cảng.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cao su tự nhiên giao kỳ hạn tháng 10 tại thị trường Tokyo tăng 2,2%  so với ngày hôm trước lên mức 267,7 yen/kg (2.916 USD)/tấn. Trong phiên, có lúc giá đã giảm 2,1% xuống còn 256,6 yen/kg do giá dầu thô tiếp tục hạ. Giá cao su giao kỳ hạn tháng 9 tại thị trường Thượng Hải tăng 1,2% lên 21.730 NDT (3.183 USD)/tấn.

Tình hình bạo động tại Thái Lan leo thang khiến giới đầu tư dự đoán nguồn cung tại nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới có thể gián đoạn.

Dầu thô giảm giá do đồng euro rơi xuống mức thấp nhât trong 4 năm sau khi nước Đức ban hành lệnh cấm bán khống cổ phiếu, gây thêm mối lo ngại về khủng hoảng nợ tại châu Âu sẽ ngày càng xấu hơn.

Trung Quốc và các nhà sản xuất lốp xe lớn như Bridgestone Corp đang có mặt trên thị trường mua cao su giao ngay, một vài giao dịch đối với cao su SIR20 của In đô nê xia và SMR20 của Malaysia được chốt cuối ngày 17/5 ở mức dưới 3 USD/kg.

Tuy nhiên, một vài khách hàng đã quay lưng lại với RSS3 của Thái Lan do giá cao và chênh lệch lớn giữa hàng giao tháng 6 và tháng 7. Mưa lớn đã làm gián đoạn việc cạo mủ ở Thái Lan khiến nguồn cung khan hiếm.

Lực lượng biểu tình chống Chính phủ Thái hôm 18/5 đã đồng ý giải pháp thương lượng do Thượng viện đề xuất nhằm chất dứt cuộc khủng hoảng chính trị đẫm máu nhất trong 18 năm qua, song các nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ việc đàm phán sẽ làm ngưng tình trạng bạo loạn đang không ngừng gia tăng. Mặc dù thị trường vẫn yên bình, những khó khăn trong tìm kiếm nguyên liệu thô đã khiến hoạt động giao dịch trì trệ. Người tiêu dùng muốn mua cao su giao tháng 6 sẽ phải trả mức 3,60 USD/kg, cao hơn 20 US cent so với cao su giao tháng 7.

Tại nước sản xuất lớn thứ hai là Indonexia, cao su SIR20 được mua bán ở mức 1,22 USD/lb, giao tháng 7 và 1,23 -1,24 USD/lb giao tháng 6. Điều này cũng chứng tỏ sự khan hiếm cao su giao ngay.

Dự trữ cao su của Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 2 khi người tiêu dùng chuyển sang các nhà kho nội địa để tìm mua cao su. Tuy nhiên đã có dấu hiệu dự trữ cao su tăng trở lại.

Giá hàng hoá ngày 21/5/2010:
Thị trường/hàng hoá
ĐVT
Giá 21/5
so với 20/5
Dầu thô
 
 
 
 
New York
 USD/thùng
 69,82
-0,98
London
USD/thùng
71,46
-0,38
Đồng
 
 
 
New York
US cent/lb
306,10
11,65
London
 USD/tấn
 6845,00
 235,00
Kim loại
 
 
 
Vàng
USD/ounce
 1176,10
 -12,50
Bạc
USD/ounce
17,651
 -0,064
Platinum
USD/ounce
 1501,20
 5,40
palladium
USD/ounce
439,45
30,50
Nông sản
 
 
 
Ngô
US cent/bushel
 3,6900
 0,0700
Đậu tương
US cent/bushel
 9,4100
-0,0300
Lúa mì
US cent/bushel
 4,7200
 0,0225
US Coffee
US cent/lb
132,40
 0,75
US Cocoa
 USD/tấn
2895
56,00
Đường
 US cent/lb
 15,65
 0,66
(Vinanet)