*USD tăng nhẹ, giá vàng giảm

Mặc dù tỷ giá bình quân liên ngân hàng của USD tuần qua khá ổn định và duy trì ở mức 20.673 đ/USD, giá USD của các Ngân hàng thương mại cuối tuần qua (20/5) tăng nhẹ.

Giá bán ra USD của các NHTM cuối tuần qua dao động trong khoảng 20.600 - 20.680 đ/USD, tăng 120-130 đ/USD so với cuối tuần trước đó; bán ra tăng trên 100 đ/USD, lên 20.780-20.800 đ/USD.

Tại các thị trường Hà Nội, Hải Phòng và Tp.HCM giá vàng bán ra cuối tuần qua dao động ở mức 37,39-37,4 triệu đồng/lượng, giảm 60.000 – 100.000 đ/lượng so với cuối tuần trước đó.

*Giá gas giảm

Sau khi “đơn phương” tăng giá 4.000 đ/bình ngày 10/5, Sài Gòn Petro tuần qua đã hạ giá bán nhiên liệu này với mức 6.000 đ/bình 12 kg. Theo đó, giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng khu vực Tp.HCM của Sài Gòn Petro là 376.000 đ/bình 12 kg. Lý do đợt giảm giá bất ngờ này, theo Phó phòng kinh doanh gas Sài Gòn Petro là để hỗ trợ người tiêu dùng.

*Giá hạt tiêu xuất khẩu giảm

Giá hạt tiêu xô trong nước tuần qua giảm từ 114.000 đ/kg xuống còn 107.000 đ/kg.

Vào đầu tuần trước đó, giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam loại 500 Gr/FAQ được chào bán 5.950 USD/tấn và loại 550 Gr/FAQ chào giá 6.350 USD/tấn. Đến giữa tuần qua giá giảm xuống còn 5.750 USD/tấn cho loại 500 Gr/FAQ và giảm xuống 6.100 USD/tấn cho loại 550 Gr/FAQ.

Xuất khẩu tiêu của Việt Nam tháng 4 ước đạt 16 ngàn tấn, kim ngạch đạt 80 triệu đô la, đưa khối lượng tiêu xuất khẩu 4 tháng đạt 42.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu 208 triệu đô la, giảm 4,9% về lượng và giá trị tăng tới 53,5% so với cùng kỳ, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

*Thị trường gạo trầm lắng

Gạo 5% tấm xuất khẩu giá đã giảm khoảng 15 đô la/tấn trong tuần qua, hiện xuống chỉ 465 - 475 đô la/tấn, trong khi gạo 25% tấm xuất khẩu cũng giảm tương tự, xuống mức 425 - 440 đô la/tấn. Giá gạo giảm nhưng cũng không hấp dẫn được khách hàng, bởi giá tại Thái Lan cũng giảm. Hiện gạo 100% B xuất khẩu của Thái giá khoảng 495 đô la/tấn, giảm khoảng 5 đô la so với một tuần trước đây.

Hiện trên thị trường chỉ có một số nhà xuất khẩu đang bốc xếp gạo để thực hiện hợp đồng với Philippines nhưng khối lượng không đủ nhiều để giữ giá ổn định. Trong khi đó, vụ lúa hè thu ở ĐBSCL sắp cho thu hoạch - khoảng đầu tháng 7, sẽ khiến nguồn cung gia tăng.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết tính từ đầu năm tới nay, các nhà xuất khẩu đã ký hợp đồng xuất tổng cộng 3,9 triệu tấn gạo, trong đó 2,75 triệu tấn đã được xuất đi, phần còn lại 1,15 triệu tấn sẽ bốc xếp nốt từ nay tới tháng 6. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu đang trữ khoảng 1,66 triệu tấn gạo trong kho, cao hơn lượng cần giao cho khách hàng.

*Giá thép ổn, tiêu thụ có dấu hiệu nhích nhẹ

Thị trường thép vẫn chưa có sự biến động nào chú ý về giá trong tuần qua khi giá thép xây dựng bán ra tại các nhà máy vẫn phổ biến ở mức 18,5 triệu đ/tấn (thép cuộn), thép cây khoảng 18,4 triệu đống/tấn (đã tính thuế VAT).

Tuy nhiên, trong tháng 5 này tiêu thụ thép có cơ hội nhích nhẹ. Theo ước tính của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), lượng thép xây dựng tiêu thụ trong tháng 5 này có khả năng sẽ đạt 440 ngàn tấn, tăng nhẹ so với mức tiêu thụ 439 ngàn tấn trong tháng 4 và tăng gần 110 ngàn tấn so với tháng 3. Tình hình có thể sẽ tiếp tục ổn định trong tháng 6 và 7 tới.

Bên cạnh đó, từ ngày 2/7 tới thuế xuất khẩu quặng sắt sẽ được nâng lên 10%, tức là mức 40% thay cho 30% như hiện hành. Đây là nội dung Thông tư 67/2011 vừa được Bộ Tài chính ban hành. Theo Bộ tài chính, việc nâng thuế lần này sẽ là một trong những động thái góp phần giảm xuất khẩu quặng sắt và tinh quặng sắt. Bởi việc xuất khẩu tinh quặng sắt những năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước thiếu nguyên liệu và phải nhập khẩu. Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam và một số doanh nghiệp đã kiến nghị chấm dứt xuất khẩu tinh quặng sắt.

(Tồng hợp)

Nguồn: Vinanet