Cơm dừa: giá tăng do mưa

Giá cơm dừa trên thị trường thế giới tuần qua tăng do mưa.

Tại Ấn Độ, nhu cầu từ các ngành sản xuất dầu gội đầu và mỹ phẩm tăng mạnh cũng hỗ trợ giá tăng lên.

Xuất khẩu dầu dừa của Philippine – nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, trong 7 tháng đầu năm nay đã vượt mức của cả năm 2009. Theo Hiệp hội Dừa Philippine, xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm đạt 871.311 tấn, trong khi cả năm 2009 xuất khẩu 808.007 tấn. Xuất khẩu dầu dừa đã tăng 129% so với 381.173 tấn cùng kỳ năm ngoái, trong khi riêng xuất khẩu của tháng 7 tăng 57% đạt 166.050 tấn so với 106.014 tấn cùng tháng năm ngoái.

Nhu cầu cao từ xuất khẩu dừa trên thị trường quốc tế đã khuyến khích sản xuất. Philippine xuất khẩu khoảng 80% tổng sản lượng. Các thị trường tiêu thụ chính là Mỹ và Châu Âu. Về các vấn đề khác, Philippine chiếm dưới 5% tổng thị trường dầu và mỡ thế giới.

Năm ngoái, Philippine đã xuất khẩu 808.007 tấn dầu dừa, giảm 4,7% so với 847.626 tấn năm 2008 và thấp hơn mức dự báo 835.000 tấn do nhu cầu thấp từ thị trường quốc tế.

Dầu thô: Giá tăng

Giá dầu tuần qua tương đối vững. Dầu thô đã có khoảng thời gian tăng giá trong tháng 7, tăng 4,4% trên thị trường kỳ hạn Mỹ và tăng 18% so với một năm trước đây. Tuần qua, giá dầu thô cũng đã chạm mức thấp 76,83 USD /thùng do tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 2 chỉ đạt 2,4%, thấp hơn so với dự báo.

Dự trữ dầu của Mỹ đã tăng 7,31 triệu thùng/ngày lên 36,8 triệu thùng/ngày. Giá giảm xuống dưới mức trung bình 78,25 USD/thùng của 100 ngày gần đây nhất.

Giá dầu thô tại London kỳ hạn tháng 9 ở mức 78,18 USD/thùng.

Theo các nhà phân tích, giá dầu sẽ khó bứt phá khỏi ngưỡng 80 USD/thùng. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lòng tin tiêu dùng của Mỹ, quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, đang xấu đi.

Giá dầu được giao dịch khoảng 70-80 USD/thùng trong năm nay, do những nghi ngờ về sức phục hồi của nền kinh tế Mỹ khiến giá dầu không thể bứt phá lên trên 80 USD/thùng.

Sander Capital cho rằng, giá dầu sẽ tiếp tục giao dịch quanh ngưỡng 75 USD/thùng trong thời gian ngắn, do kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại, trong khi các nước tiêu thụ cũng như sản xuất dầu mỏ hiện nay đều tỏ ra hài lòng với mức giá này.

Ken Hasegawa, nhà quản lý năng lượng thuộc công ty môi giới Newedge ở Tokyo cho rằng kinh tế toàn cầu cần phải có một bước phục hồi thực sự mạnh thì giá dầu lúc đó mới tăng cao.

Về những thông tin liên quan, tập đoàn dầu khí BP của Anh sẽ bắt đầu khai thác vùng nước sâu ngoài khơi Libya trong vài tuần tới, bất chấp những lo ngại về việc bảo đảm an toàn cũng như bảo vệ môi trường sau thảm hoạ tràn dầu tại Vịnh Mexico. Giếng dầu mà BP sẽ khoan ở Vịnh Sirte của Libya có độ sâu 1.700m so với mực nước biển, sâu hơn 200m so với giếng dầu Macondo tại Vịnh Mexico. BP xác nhận với tờ Thời báo Tài chính (Anh) rằng việc khai thác sẽ bắt đầu trong vài tuần tới. BP đã ký thoả thuận khai thác trị giá 900 triệu USD với Libya năm 2007 và đây là hợp đồng đơn lẻ lớn nhất của tập đoàn này vào thời điểm đó. Giếng dầu này nằm trong khu vực Line of Death mà Tổng thống Libya M.Gaddafi trong những năm 1980 từng tuyên bố toàn bộ chủ quyền đối với Vịnh Sirte. Hiện không có chính phủ nào tranh chấp quyền khai thác khoáng sản của Libya tại khu vực mà BP đang khai thác. BP khẳng định rằng tập đoàn sẽ triển khai dự án tại Libya với sự cẩn trọng lớn nhất, sau khi rút ra được những bài học "xương máu" từ vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico.

Khí gas: giá giảm

Giá gas trên thị trường thế giới giảm tới 35 USD, còn 585 USD một tấn. Bộ Dầu mỏ Iran cho biết Tập đoàn khí đốt quốc gia Iran (National Iranien Gas Company) và công ty ASB của Thổ Nhĩ Kỳ đã kí hợp đồng xây dựng một đường ống dẫn khí đốt có chiều dài 660km, tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran kiêm Giám đốc Tập đoàn khí đốt quốc gia Iran Javad Ouji, với việc xây dựng đường ống khí đốt mới này, Iran có khả năng xuất khẩu từ 50 đến 60 triệu m3 khí/ngày cho Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu trong vòng ba năm tới.

Hiện tại, mỗi ngày Iran chỉ có thể cung cấp cho Thổ Nhĩ kỳ từ 15 đến 18 triệu m3 khí thông qua đường ống dẫn khí nối thành phố Tabriz, phía Tây Bắc Iran tới thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Iran ngày 7/6 đã khởi công xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt xuất khẩu sang châu Âu, công suất 110 triệu m3 khí/ngày. Theo đài truyền hình nhà nước Iran, tuyến đường ống này xuất phát từ thị trấn Assalouyeh, miền Nam Iran đi qua Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu. Công trình này dự kiến sẽ hoàn tất trong ba năm, tổng kinh phí khoảng 1,58 tỷ USD.

Những dự án trên cho thấy nỗ lực của Iran nhằm tăng cường xuất khẩu khí đốt sau khi bị loại khỏi dự án tuyến đường ống dẫn khí đốt Nabucco - dự án do Mỹ hậu thuẫn, vận chuyển khí đốt từ khu vực biển Caspian tới châu Âu không đi qua Nga.

Iran cũng đã từng đề nghị cung cấp khí đốt cho châu Âu khi xảy ra tranh cãi liên quan đến giá khí đốt giữa Nga và Ukraine khiến phần lớn "châu lục già" thiếu hụt nhiên liệu trong mùa Đông.

Gạo: giá đảo chiều tăng

Giá gạo Châu Á tăng nhẹ trong tuần qua do nhu cầu mới từ Bănglađét và vụ thu hoạch ở Việt Nam bị gián đoạn bởi mưa. Song các nhà xuất khẩu nghi ngờ khả năng xu hướng tăng giá sẽ duy trì lâu dài. Gạo 25% tấm của Việt nam giá vững trên 315 USD/tấn, tăng so với 305 USD/tấn hồi đầu tháng 7, trong khi gạo 5% tấm giá tăng lên 350 – 360 USD/tấn, so với 350 USD/tấn tuần trước. Giá gạo 100% B của Thái lan đã tăng lên 445 USD/tấn, so với 440 USD/tấn tuần trước.

Tuần trước, Bănglađét thông báo sẽ mua 100.000 tấn gạo trắng từ Việt Nam – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Một thương gia ở TP Hồ Chí Minh cho biết các thương gia Bănglađét hiện đang ở trên thị trường và tìm mua gạo 25% tấm.

Ngoài nhu cầu từ Bănglađét, các thương gia cho biết có một số nhu cầu mua từ khách hàng Cuba, Iraq, Châu Phi… Việt này cũng hỗ trợ giá tăng, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang thực hiện chương trình dự trữ gạo.

Ngoài kế hoạch nhập khẩu 100.000 tấn gạo Việt Nam, Bănglađét cũng đã mua 30.000 tấn gạo sấy, chắc chắn của Thái Lan.

Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và gạo là ngũ cốc quan trọng nhất của Châu Á. Giá gạo rẻ có thể giúp hạn chế lạm phát trên toàn khu vực và làm giảm chi phí sinh hoạt của hàng triệu người.

Tuy nhiên, các thương gia cho biết giá gạo Thái Lan chắc chắn sẽ giảm trở lại trong những tuần tới do thiếu vắng nhu cầu. Kiattisak Kanlayasirivat, giám đốc công ty Novel Commodities SA của Thái Lan dự báo giá gạo trắng của Thái lan có thể giảm xuống 400 USD/tấn vào cuối năm nay.

Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới, dự tính năm 2011 sẽ giảm 50% lượng gạo nhập khẩu.

Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Proceso Alcala cho biết lý do giảm nhập khẩu gạo là chính phủ đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ nông dân tăng năng suất các vụ mùa, trong khi lượng tiêu thụ gạo của người dân Philippies đang có xu hướng giảm. Tính trung bình hiện nay mỗi người Philippines tiêu thụ 119kg gạo/năm, so với mức 128kg năm 2009.

Đậu tương: Giá tăng

Giá đậutương kỳ hạn trên thị trường Ấn Độ tuần qua tăng khá bởi nhu cầu dầu ăn cao trong mùa mưa. Yếu tố này, cùng với xu hướng giá vững trên thị trường quốc tế, đã đẩy giá dầu đậu tương, đậu tương và dầu hạt cải đồng loạt tăng.

Giá dầu ăn thường tăng trước mùa lễ hội ở Ấn Độ (tháng 8 – tháng 9). Nhu cầu dầu ăn tăng trong dịp lễ hội Ramadan, bắt đầu từ ngày 10/8 – tháng ăn chay của người Hồi giáo. Nhập khẩu dầu ăn vào Ấn Độ trong tháng 6 giảm 6% so với tháng 6 năm ngoái, trong khi xuất khẩu khô đậu tương giảm.

Trên thế giới, xuất khẩu dầu đậu tương của Mỹ giảm cũng hỗ trợ thị trường.

Đường: giá giảm

Giá đường thế giới có dấu hiệu giảm nhẹ vài ngày qua, do thông tin sản lượng đường của Brazil dự báo tăng 14% lên mức 37.5 triệu tấn. Hiện giá đường trắng giao tháng 10 chỉ xoay quanh mức 559.20 USD- 566.60 USD/tấn trên sàn Luân Đôn, thấp hơn 50 USD/tấn so với tháng 6.

Có lẽ chưa có năm nào các chuyên gia phân tích, dự báo thị trường mía đường thế giới phải làm việc vất vả như năm nay do giá cả biến động mạnh.

Giá đường thế giới từ từ tăng tốc cuối năm 2009, rồi hai tháng đầu năm 2010 bất ngờ vọt lên chạm mức gần 760 đô la Mỹ/tấn, mức kỷ lục trong vòng 29 năm qua, do giới đầu tư dự báo hai "nhà máy đường" lớn nhất thế giới là Ấn Độ và Brazil năm nay sẽ mất mùa.

Thế nhưng chỉ vài tháng sau, không những không mất mùa mà vụ mía của Brazil còn bội thu, sản lượng đường của nước này chẳng những không giảm mà còn có thể cao hơn 32% so với cùng kỳ năm 2009 nhờ thời tiết khô ráo thuận lợi cho trồng mía.

Nguồn cung dự báo sẽ dồi dào cho nên giá đường trên các sàn giao dịch thế giới lại lao dốc, giảm sâu đến 47% trong tháng 4 sau khi chạm đỉnh hồi đầu năm, duy trì ở mức thấp trong hai tháng 4 và 5 và hiện "lình xình" quanh mức 540 đô la Mỹ/tấn, kỳ hạn giao hàng tháng 10.

Ngân hàng Standard Chartered Bank dự đoán, đến cuối năm nay, giá đường thế giới có thể tăng 29% do nhu cầu của Ấn Độ – nước tiêu dùng đường lớn nhất thế giới tăng cao.

Ông John Reeve, Giám đốc bộ phận hàng nông sản tại Standard Chartered cho rằng, người Ấn Độ tiêu thụ đường rất nhiều và họ sẽ chấp nhận mua đường ở gần như mọi mức giá. Đây sẽ là cơ hội để giá đường vượt qua mức 30 US cent/lb.

Giá đường có khả năng tăng cao khi mà tại nhiều nước trên thế giới do ảnh hưởng của thiên tai mà sản lượng mía giảm sút, nhu cầu nhập khẩu đường tăng cao. Sản lượng đường trong tháng 8 tại Trung Nam Brazil, khu vực trồng đường lớn nhất thế giới giảm 23% xuống 1,85 triệu tấn, do mưa lớn mà sản lượng mía giảm sút. Trong khi đó, sản lượng đương của Ấn Độ trong năm nay có thể ở mức 16 triệu tấn.

Dự đoán, thế giới sẽ thiếu 10,4 triệu tấn đường trong năm nay và 8,4 triệu tấn đường trong năm tới.

Sắn: Giá tăng

Giá sắn trên thị trường thế giới liên tục tăng, với mức tăng mỗi tuần khoảng 30 – 40 USD/tấn. Hiện giá tinh bột sắn Thái Lan xuất khẩu lại đã vượt ngưỡng 600 USD/tấn, đạt 620 – 630 USD/tấn. Giá tinh bột sắn nội địa theo đó cũng tăng lên mức 19,5 Bath/kg. Trong khi đó, giá sắn củ (hàm lượng tinh bột 30%) của Thái Lan được bán ra ở mức 3,6-4,1 Bath/kg. So với mức giá hồi đầu năm 2010 thì giá tinh bột sắn xuất khẩu của Thái Lan đã tăng tới gần 50%, còn so với cùng kỳ năm 2009, giá đã cao hơn khoảng 108%.

Giá sắn Thái Lan liên tục thiết lập các mức đỉnh mới kể từ tháng 3/2010 đến nay. So với mức giá hồi đầu năm 2010 thì giá tinh bột sắn xuất khẩu của Thái Lan đã tăng tới gần 50%, còn so với cùng kỳ năm 2009, giá đã cao hơn khoảng 108%.

Việc nguồn cung sắn Thái Lan bị sụt giảm mạnh sẽ tác động tiêu cực tới giá TACN trong thời gian tới và giá xuất khẩu tinh bột sắn của quốc gia này.

Thái Lan đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung sắn nghiêm trọng do sản lượng trong niên vụ 2010/2011 được dự báo sẽ tiếp tục giảm so với niên vụ 2009/2010, theo điều tra mới đây nhất của Hiệp hội thương mại sắn Thái Lan. Diện tích trồng sắn trong niên vụ 2010/2011 sẽ giảm xuống còn 1,17 triệu ha từ mức 1,25 triệu ha của niên vụ trước, theo đó, sản lượng sắn cũng giảm xuống còn 15 triệu tấn, từ mức 21 triệu tấn. Tình trạng này sẽ tác động khá mạnh tới các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng sắn như một nguồn nguyên liệu thô đầu vào. Ngoài ra việc thiếu hụt nguồn cung sắn nội địa cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới giá tinh bột sắn xuất khẩu của Thái Lan.

Hạt tiêu: giá giảm

Giá hạt tiêu kỳ hạn trên thị trường thế giới tuần qua giảm do nhu cầu yếu. Hạt tiêu Ấn Độ giá 4750 USD/tấn, trong khi hạt tiêu Việt Nam giá 4500 USD/tấn. Xuất khẩu hạt tiêu Ấn Độ giai đoạn tháng 4 – 6 giảm xuống4650 tấn so với 4900 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu trên thị trường thế giới những ngày cuối tháng 7 giảm cũng góp phần làm giảm giá hạt tiêu thế giới. Việt Nam dự kiến sẽ sản xuất 100.000 tấn hạt tiêu trong năm nay, thấp hơn 5% so với dự kiến ban đầu, trong khi mục tiêu xuất khẩu cũng giảm 27% so với năm ngoái xuống 100.000 tấn.

Cao su: giá vững

Giá cao su kỳ hạn trên thị trường thế giới tiếp tục vững bởi mùa mưa ở những nước sản xuất chính là Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ, khiến cho việc thu hoạch mủ bị chậm lại. Giá cao su giao ngay tại Ấn Độ đã tăng lên 185 Rupi trong khi tại TÔCM (TOKYO) cũng tăng với hy vọng nhu cầu từ lĩnh vực sản xuất lốp xe của Trung Quốc sẽ tăng lên. Tuy nhiên, giá cao su tại Tokyo đã giảm khỏi mức cao nhất của 3 tuần nay bởi giá dầu giảm trở lại và đồng Yên tăng giá làm nản lòng các nhà đầu tư.

Giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục vững ở mức cao trong trung hạn do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu tăng. Abdul Aziz, tổng thư ký Uỷ ban Nghiên cứu và Phát triển Cao su Quốc tế (IRRDB) nhận định rằng tình hình chưa chắc sẽ thay đổi nhièu trong trung hạn.

Tuy nhiên, những nước như Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia và Lào đang tăng diện tích trồng cao su. Vào nửa cuối thập kỷ này, Việt Nam có thể nổi lên thành nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn, vượt cả Ấn Độ và Malaysia.

 (Vinanet)