- Khai thác than - khoáng sản:

Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới và do tình hình tiêu thụ than của các ngành công nghiệp trong nước giảm, nên sản lượng than khai thác cũng như xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác than sạch trong tháng 6 tuy có đạt 3,8 triệu tấn, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cộng chung 6 tháng vẫn giảm 2,1%. Kim ngạch xuất khẩu than ước đạt 591 triệu USD, giảm 15,7%. Hiện nay Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam đang tích cực nghiên cứu khả năng khai thác than vùng bể than sông Hồng, nhằm đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế trong những năm tới. Cùng với hoạt động khai thác, Tập đoàn cũng đã tập trung củng cố hệ thống tiêu thụ, thực hiện các biện pháp an toàn trong khai thác, khắc phục các vấn đề về môi trường và triển khai tích cực các dự án điện, dự án bô xit...

- Sản xuất thép:

Ngành thép là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy giảm kinh tế trong năm 2008, với lượng tồn kho đầu năm 2009 rất lớn (cuối quý I, lượng thép thành phẩm tồn kho khoảng 220 nghìn tấn và phôi thép khoảng 380 nghìn tấn) và phải chịu nhiều sức ép từ thép ngoại nhập giá rẻ do nguồn cung thép trên thế giới quá cao so với nhu cầu. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp kích cầu của Chính phủ, ngành thép đã dần hồi phục ngay từ đầu quí II/2009, chủ yếu do nhu cầu tăng trở lại khi mùa xây dựng bắt đầu, các công trình được vay vốn ưu đãi của Nhà nước đẩy nhanh tiến độ, người nông dân cũng được hỗ trợ 4% lãi suất cho vay để xây dựng nhà ở, các công ty thương mại đã tăng lượng hàng mua vào. Vì vậy, từ tháng 4, hầu hết các nhà máy thép đã hoạt động trở lại, một số nhà máy còn tăng công suất để đáp ứng nhu cầu. Sản lượng thép tròn 6 tháng đầu năm ước đạt 2,17 triệu tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Giá thép cũng liên tục tăng trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, việc tăng giá bán của các doanh nghiệp cũng cần phải tính đến sự cạnh tranh của thép ngoại nhập giá rẻ trên thị trường thế giới.

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thép đều rất quan tâm đến Quy chế quản lý phế liệu nhập khẩu (do Bộ Tài nguyên môi trường dự thảo) và đều mong muốn có quy định thống nhất, minh bạch, hợp lý, khả thi và hiệu quả, vừa bảo vệ được môi trường nhưng cũng vừa phải tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, tránh các quy định phức tạp về thủ tục có thể làm tăng chi phí sản xuất.

- Sản xuất phân bón:

Do lượng phân bón tồn kho cuối năm 2008 lớn (khoảng 2 triệu tấn các loại) nên đầu năm các doanh nghiệp trong ngành phải sản xuất cầm chừng. Bước vào cao điểm của vụ đông xuân, nhu cầu phân bón tăng cùng với chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi theo gói kích cầu của Chính phủ, hoạt động kinh doanh phân bón đã sôi động trở lại, riêng mức sản xuất còn tăng chậm do nguồn cung dồi dào. Tận dụng thời điểm giá phân bón thế giới vẫn đang ở mức thấp, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh nhập khẩu để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vụ hè thu năm 2009 (lượng phân bón các loại nhập khẩu ước đạt xấp xỉ cùng kỳ năm 2008 là trên 2,2 triêu tấn). Ước lượng phân đạm urê sản xuất 6 tháng đạt 493,4 ngàn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ; phân lân đạt khoảng 753,4 ngàn tấn, giảm 4%; phân NPK đạt 810,9 ngàn tấn, giảm 11,3%. Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng thời gian qua vẫn tiếp diễn đòi hỏi công tác quản lý thị trường ngày càng phải chặt chẽ hơn.

Trong tháng 4, Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ - Hải Phòng đã đi vào hoạt động chính thức, dự kiến năm 2009 nhà máy sẽ sản xuất khoảng 150-160 ngàn tấn, góp phần đáp ứng một phần nhu cầu trong nước và giảm nhập khẩu.

- Ngành Cơ khí:

Trong 6 tháng đầu năm, ngành đã có nhiều bước tiến đáng kể như: đã xuất khẩu được những sản phẩm thuộc loại siêu trường, siêu trọng như thiết bị xây dựng nhà máy điện gió của Công ty Chế tạo thiết bị và Đóng tàu Hải Phòng; lần đầu tiên thiết kế, đóng mới thành công tàu dịch vụ; cho ra đời thêm nhiều mẫu xe máy, ô tô mới...

Riêng các sản phẩm máy nông nghiệp đã có sự tăng trưởng đột biến do được hưởng lợi theo Quyết định 497/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Đây thực sự là đòn bẩy cho cơ giới hoá nông nghiệp, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp tuy đã huy động tối đa công suất song vẫn không đủ hàng bán cho nông dân. So với 6 tháng cùng kỳ năm 2008 sản lượng máy bơm nước tăng 4,5 lần; máy phun thuốc trừ sâu tăng 3,2 lần; máy kéo xe vận chuyển tăng 1,5 lần; máy cắt lúa gặt đập liên hợp tăng 1,3 lần. Do đó, ngoài việc kích cầu cần phải có thêm cơ chế thúc đẩy phát triển sản xuất máy nông nghiệp.

Ngoài ra, để khuyến khích chế tạo sản phẩm cơ khí trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 1 năm 2009 ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến 2015 với các ưu đãi về tín dụng đầu tư, thuế suất thuế nhập khẩu, hỗ trợ các chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực...Tuy nhiên, thời gian qua các cơ chế trên vẫn chưa phát huy hiệu quả do chưa được triển khai tích cực, các doanh nghiệp cần sớm xây dựng những dự án có tính khả thi cao để được hưởng lợi từ cơ chế hỗ trợ này.

Bên cạnh những sản phẩm tăng trưởng khá nêu trên, một số sản phẩm cơ khí khác như động cơ điện, biến thế điện, máy công cụ xuất khẩu... sản xuất vẫn gặp khó khăn về tiêu thụ nên một số doanh nghiệp trong quí I đã phải cắt giảm lao động hoặc giảm thu nhập (có nơi đến 50%), sang quí II đã sản xuất trở lại nhưng vẫn chưa huy động hết công suất. Nhóm doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm như thiết bị toàn bộ, hàng quy chế, động cơ đốt trong vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng tương đương cùng kỳ.

(Vietrade)

Nguồn: Vinanet