Giá hàng hoá tăng mạnh tới giữa phiên và giảm đà tăng vào cuối phiên bởi đồng NDT; Chỉ số CRB cao nhất 5 tuần; Giá vàng lập kỷ lục mới; Ngoại trừ Mỹ, chứng khoán toàn cầu tăng; USD tăng so với các đồng tiền chủ chốt.

Giá các kim loại, dầu mỏ và một số nông sản tăng trong phiên giao dịch đầu tuần này bởi Trung Quốc cam kết sẽ để đồng Nhân dân tệ linh hoạt hơn, tuy nhiên mức tăng bị hạn chế bởi mối lo chính phủ nước này sẽ để đồng NDT tăng ở mức nào.

Chỉ số CRB của 19 loại hàng hoá nguyên liệu thô đạt mức cao nhất trong 5 tuần trong phiên nhưng lại giảm 1 điểm phần trăm vào cuối phiên do giá đồng và dầu giảm so với đầu phiên.

Giá đậu tương, thường được hỗ trợ bởi nhu cầu từ Trung Quốc, cũng giảm theo xu hướng của giá ngô và lúa mì. Giá đường tăng nhẹ, giá cà phê đầu phiên vượt qua mức cao của 27 tháng bởi lo ngại nguồn cung khan hiếm loại cà phê nhân chất lượng cao, nhưng lại giảm vào cuối phiên.

Giá vàng leo lên mức cao mới đầu phiên nhưng lại giảm hơn 20 USD vào cuối phiên sau khi USD hồi phục khiến các nhà đầu tư bán chốt lời.

Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ hàng hoá lớn nhất thế giớ, cuối tuần trước đã thông báo sẽ nới lỏng đồng NDT so với đồng USD - vấn đề từng gây nhiều tranh cãi trước đó. Trung Quốc đã duy trì ổn định kể từ giữa tháng 8 năm 2008 để ổn định nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống. Giữ đúng lợi hữa, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tăng giá đồng tệ 0,42% trong ngày làm việc đầu tiên của tuần này, lên 6,7976 NDT/USD – ngày tăng mạnh nhất và là mức đóng cửa cao nhất của đồng tệ kể từ khi Trung Quốc định giá lại đồng tiền này vào năm 2005. Nhân dân tệ đã tăng 20% giá trị trên thị trường giao ngay trong vòng 5 năm qua.

Năm 2009, Trung Quốc đã chi 607 tỷ NDT, tương đương 89 tỷ USD để nhập khẩu dầu mỏ, 343 tỷ NDT cho nhập khẩu quặng sắt và 206 tỷ NDT nhập khẩu đồng.

Các thương nhân trên thị trường phản ánh lại quyết định nới lỏng đồng NDT của Trung Quốc với tinh thần hăng hái, hoạt động giao dịch diễn ra sôi nổi đầu phiên nhưng đến cuối phiên lại lắng xuống bởi lo ngại Trung Quốc sẽ không tác động nhiều tới đồng tệ và điều này sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu hàng hoá trong dài hạn.

Hầu hết mọi người đều cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ để đồng tệ tăng khoảng 2 – 3% mà thôi.

Diễn biến của thị trường cụ thể như sau.

Giá đồng – kim loại mà Trung Quốc sử dụng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, và tiêu thụ hơn 1/3 tổng nhu cầu đồng toàn cầu – đã tăng 4% trong phiên hôm qua, trước khi đóng cửa ở mức tăng khoảng 2%. Giá đồng giao sau 3 tháng tại Luân Đôn chốt phiên ở 6.595 USD/tấn, tăng 160 USD so với phiên cuối tuần trước. Giá đồng từng đạt mức cao nhất kể từ đầu năm trong giữa tháng 4 khi đạt trên 8.000 USD/tấn. Tại New York, giá đồng giao tháng 7 tăng 4% lên 3,0330 USD/lb – cao nhất kể từ ngày 16/6, và đóng cửa chỉ tăng 2% ở 2,9429 USD/lb.

Giá dầu thô - mặt hàng Trung Quốc tiêu thụ lớn thứ hai sau Mỹ, đã tăng hơn 2% trước khi đóng cửa ở mức tăng gần 1%. Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York chốt phiên ở 77,82 USD/thùng, tăng 64 cent so với phiên liền trước. Trong phiên, có lúc giá dầu lên 78,92 USD/thùng – cao nhất kể từ ngày 6/5.

Giá vàng giao ngay trong phiên hôm qua leo lên mức cao kỷ lục mới 1,264,90 USD/ounce và giá vàng giao kỳ hạn lên tới 1.266,50 USD/ounce. Chốt phiên, giá vàng đứng ở 1.240,70 USD/ounce bởi hoạt động chốt lời.

Giá cà phê arabica giao tháng 9 hôm qua leo lên mức cao mới trên 27 tháng ở 1,6545 USD/lb bởi lo ngại nguồn cung sẽ khan hiếm hơn. Tuy nhiên, sau khi đồng USD hồi phục trở lại, hoạt động chốt lời diễn ra mạnh mẽ khiến giá giảm về 1,6080 USD/lb vào lúc đóng cửa và rời mức cao của 27 tháng.

Kể từ ngày 9/6 tới nay, giá cà phê arabica đã tăng gần 22%. Triển vọng trong dài hạn, giá cà phê sẽ đi xuống bởi sản lượng của Braxin ở mức cao kỷ lục và dù thời tiết đang lạnh nhưng không ảnh hưởng gì tới vụ mùa.

Giá cà phê robusta tại Luân Đôn tăng 2 USD lên 1.573 USD/tấn trong phiên hôm qua, gần mức cao nhất của 15 tháng bởi sự hồi phục trở lại trên thị trường vật chất Việt Nam và Indonesia.

Giá đường thô đạt trên 15,60 cent/lb nhờ nhu cầu mua vào của các nhà đầu tư dù thông tin từ Trung Quốc ảnh hưởng tới giá các hàng hoá khác. Giá đường thô giao tháng 7 tại New York tăng 0,58 cent, tương đương 3,8% lên 15,96 cent/lb. Giá đường trắng giao tháng 8 tại Luân Đôn tăng 15,50 USD lên 525,90 USD/tấn.

Giá ca cao tăng dù giao dịch trầm lắng. Ca cao giao tháng 9 tại New York tăng 28 USD lên 2.985 USD/tấn. Ca cao giao cùng kỳ hạn tại Luân Đôn tăng 15 bảng lên 2.360 bảng/tấn.

Trên thị trường chứng khoán, động thái cho phép linh hoạt tỷ giá của Trung Quốc giúp các chỉ số tại Phố Wall tăng mạnh, chủ yếu nhờ các cổ phiếu của các công ty sản xuất hàng hoá và công nghiệp khi họ cho rằng kế hoạch của Trung Quốc phát đi tín hiệu kinh tế toàn cầu đang phục hồi, nhu cầu đối với hàng hóa, nguyên liệu thô và máy móc sẽ tăng cao. Ttuy nhiên thông tin này cuối cùng lại không khiến thị trường lạc quan và quay đầu giảm. Chốt phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Joné giảm 8,23 điểm, tương đương 0,8% xuống 10.442,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,31 điểm tương đương 0,39% xuống 1.113,20 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 20,71 điểm tương đương 0,9% xuống 2.289,09 điểm.

Ngoại trừ Mỹ, chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng trong phiên hôm qua. Chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu tăng 1,6%, chỉ số FTSEurofirst 300 tăng 1% lên 1.055,39 điểm và là phiên tăng thứ 9 liên tiếp. Chứng khoán của các thị trường đang nổi tăng 2,4% lên mức cao nhất 6 tháng.

Trên thị trường tiền tệ, đồng Euro hôm qua giảm 9,52% so với USD xuống còn 1,2320 USD. USD cũng tăng giá so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ. Chỉ số USD tăng 0,3% lên 85,953.

 (Nguyễn Hằng)