Ngoài Việt Nam có sản lượng tăng nhanh và trở thành nước sản xuất hạt tiêu lớn nhất thế giới với khoảng 80.000 – 90.000 tấn mỗi năm, ở hầu hết các nước khác sản lượng đều không tăng, khiến nguồn cung trên thị trường thế giới khan hiếm.

Với tiêu thụ tăng mạnh, khả năng giá hạt tiêu sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa.

Từ 1999 tới 2005, do sản lượng của Việt Nam tăng nhanh, giá hạt tiêu thế giới giảm mạnh. Tuy nhiên trong mấy năm qua, giá đã nhanh chóng hồi phục khi nguồn cung giảm xuống.

Uỷ ban Hạt tiêu Quốc tế (IPC) ước tính tiêu thụ hạt tiêu thế giới tăng khoảng 3,46% mỗi năm, trong đó Mỹ vẫn duy trì là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới với 23% thị trường toàn cầu.

Sản lượng hạt tiêu thế giới dao động từ 270.000 – 335.000 tấn mỗi năm, trong đó Việt Nam chiếm khoảng 80.000  - 100.000 tấn. Các nước sản xuất lớn nhất của IPC góp 85% vào mậu dịch hạt tiêu toàn cầu.

Trong 10 năm qua, cung hạt tiêu thế giới tăng mạnh, trừ năm 2008/09. Sản lượng của Việt Nam tăng đột ngột đã nâng sản lượng toàn cầu lên 300.000 – 350.000 tấn so với mức 190.000 – 200.000 tấn trong những năm 1990.

Là nước sản xuất lớn nhất thế giới, Việt Nam đóng góp vào khoảng 1/3 sản lượng toàn cầu. Tiếp đến là Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc. Các nước sản xuất lớn khác bao gồm Indonexia, Malaysia và Sri Lanka.

Giá hạt tiêu thế giới chịu tác động lớn từ tình hình sản xuất của ba nước là Việt Nam, Ấn Độ và Brazil.

Nhập khẩu vào Mỹ đã tăng 5,46% mỗi năm trong thập kỷ qua. Tuy nhiên trong năm nay, do kinh tế suy thoái, nhu cầu hạt tiêu thế giới dự báo giảm xuống.

Tuy nhiên, mức giảm sẽ không nhiều, bởi hạt tiêu đã trở thành thứ gia vị không thể thiếu ở bếp ăn của mỗi gia đình.

Dầu hạt tiêu cũng được sử dụng rộng rãi không chỉ trong ngành thực phẩm mà trong cả các lĩnh vực khác như mỹ phẩm, nước hoa, các sản phẩm vệ sinh cá nhân, như kem đánh răng, nước súc miệng… Ấn Độ là nước xuất khẩu dầu gia vị lớn nhất sang Tây Âu, Mỹ và Trung Đông. Tây Á và Đông Âu cũng là những thị trường lớn tiêu thụ hạt tiêu.

 

Nguồn: Vinanet