NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Trong phiên hôm qua, chỉ có Cà phê Robusta kỳ hạn tháng 9 trên sàn ICE EU được giao dịch do nước Mỹ vẫn đang ở trong kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh. Thiếu vắng sự sôi động đến từ thị trường New York, phe bán chiếm ưu thế đẩy giá Robusta giảm 1.17% về 1687 USD/tấn, tuy nhiên giá vẫn tiếp tục đi ngang trong biên độ 1670 – 1730 USD/tấn.

Tong hop dien bien thi truong

KIM LOẠI
Sắc xanh bao phủ toàn bộ bảng giá của các mặt hàng kim loại. Đối với các mặt hàng kim loại quý, giá Bạc tăng 0.32% lên 26.58 USD/ounce, giá Bạch kim tăng phiên thứ tư liên tiếp lên 1102.2 USD/ounce. Dường như những ảnh hưởng tiêu cực từ tin tức tỉ lệ thất nghiệp tăng vẫn chưa được thị trường hoàn toàn hấp thụ, đồng USD tiếp tục suy yếu trong phiên hôm qua và hỗ trợ cho đà tăng của thị trường kim loại quý. Chỉ số Dollar Index giảm phiên thứ hai liên tiếp về 92.24.

Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng và Quặng sắt đồng loạt tăng mạnh. Giá Đồng bứt phá khỏi xu thế đi ngang bằng mức tăng 1.59% lên 4.344 USD/pound, khi Bộ lao động Mỹ cho biết nhu cầu tuyển dụng gia tăng ở Mỹ khiến cho các nhà đầu tư tin tưởng vào sự phục hồi mạnh của nền công nghiệp. Giá Quặng sắt tăng 2.5% lên 208.73 USD/tấn khi các nhà máy sản xuất thép ở Đường Sơn khôi phục lại hoạt động và khiến nhu cầu tiêu thụ thép trong ngắn hạn được dự báo sẽ tăng lại mức kỷ lục trước đó.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu tiếp tục tăng ngày hôm qua sau khi OPEC+ hoãn cuộc họp chính sách tháng 7 lần thứ 3 do các thành viên không đạt được tiếng nói chung. Hiện tại, theo Tổng thứ ký OPEC+, cuộc họp chính thức của nhóm đã bị hoãn và chưa có thời gian dự kiến bao giờ sẽ họp trở lại. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.5% lên 76.29 USD/thùng, dầu Brent 1.3% lên 77.16 USD/thùng.

Giá tăng chủ yếu do diễn biến cuộc họp của OPEC+. UAE vẫn giữ nguyên lập trường ủng hộ nâng sản lượng chung, tuy nhiên sẽ chỉ chấp nhận kéo dài thời gian thỏa thuận nếu đươc điều chỉnh mức sản lượng cơ sở. Tuy nhiên điều này sẽ dẫn đến hành động tương tự từ các thành viên khác, kéo theo sản lượng chung của nhóm tăng cao hơn mức Saudi Arabia mong muốn. Thiếu sự đồng thuận chung, OPEC+ sẽ không tiến hành tăng sản lượng từ tháng 8, khiến cho cán cân cung-cầu ngày càng thắt chặt, đẩy giá lên cao. Điều này đã thu hút phản ứng của Mỹ, phát ngôn Nhà Trắng cho biết hiện chính quyền Biden đang thúc đẩy “giải pháp thỏa hiệp” trong các cuộc đàm phán OPEC+. Với nền kinh tế vẫn đang phục hồi từ ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tổng thống Biden muốn đảm bảo nguồn năng lượng ổn định với mức giá hợp lý cho nước Mỹ.
Trong khi đó, giá khí tự nhiên tăng 2.46% lên 3.791 USD/MMBTu, chỉ cách chưa đến 1 cent so với mức giá kỷ lục tháng 12/2018. Nhu cầu tăng lên tại châu Á đẩy giá xuất khẩu tại Mỹ lên cao, kéo theo biến động tại thị trường nội địa.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)