Năng lượng: Giá dầu tăng mạnh
Giá dầu tuần qua tăng mạnh, lập những kỷ lục cao mới, tính chung cả tuần tăng gần 5% và dự kiến đà tăng vẫn chưa dừng lại trong bổi cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Phiên cuối tuần, giá dầu thô Brent tăng 44 US cent tương đương 0,5% lên 82,39 USD/thùng, không xa mấy so với mức cao nhất 3 năm ở phiên đầu tuần (83,47 USD/thùng). Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) phiên này tăng 1,05 USD tương đương 1,3% lên 79,35 USD/thùng – cao nhất kể từ ngày 31/10/2014.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI của Mỹ và dầu Brent đã tăng lần lượt 4,6% và 4,9%. Đây là tuần tăng giá thứ 7 liên tiếp của dầu WTI còn dầu Brent là tuần tăng giá thứ 5.
Giá xăng kỳ hạn tại Mỹ cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (OPEC+) ngày 4/10 nhóm họp và đã quyết định duy trì lộ trình tăng sản lượng như kế hoạch cũ bất chấp nhu cầu dầu mỏ thế giới đang ngày càng lớn. Theo đó, OPEC+ xác nhận sẽ tuân theo chính sách sản lượng hiện tại, tức là tăng dần sản lượng khai thác dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến ít nhất tháng 4/2022.
Trong khi đó, nhu cầu dầu toàn cầu tăng do hoạt động kinh tế hồi phục từ mức thấp của đại dịch.
Khi thị trường năng lượng thắt chặt do nhu cầu nhiên liệu được cải thiện, nhiều lo ngại rằng mùa đông lạnh có thể làm căng thẳng thêm nguồn cung khí tự nhiên. Do vậy, Trung Quốc đã ra lệnh cho các mỏ khai thác tại Nội Mông tăng cường sản xuất than để giảm bớt tình trạng khủng hoảng năng lượng của nước này. ANZ đã nâng dự báo nhu cầu dầu thô trong quý 4/2021 thêm 450.000 thùng/ngày.
Chuyên gia John Kilduff, đối tác của công ty môi giới đầu tư Again Capital LLC ở New York (Mỹ) cho biết dựa trên bức tranh nhu cầu và kết quả của cuộc họp OPEC+, tâm lý chung trên thị trường là tin tưởng “vàng đen” sẽ còn tăng giá.
Theo Marshall Steeves, chuyên gia phân tích thị trường năng lượng của công ty dịch vụ thông tin IHS Markit (Vương quốc Anh), tâm lý tích cực bao trùm thị trường sau khi quan chức trong chính phủ của Tổng thống Joe Biden cho biết họ không có ý định giải phóng dầu trong Kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR), hay xem xét ban hành một lệnh cấm xuất khẩu để kiềm chế giá dầu thô vào lúc này.
Bộ Năng lượng Mỹ cho biết lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng 2,3 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược dự đoán giảm 418.000 thùng. Lượng xăng dự trữ cũng tăng, trong khi lượng dự trữ các sản phẩm chưng cất chỉ giảm nhẹ.
Hôm 7/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này có thể xuất khẩu lượng khí đốt tự nhiên kỷ lục sang châu Âu trong năm nay giữa bối cảnh châu lục này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ. Giá xăng tiếp tục giảm vào ngày 7/10, sau phát biểu của ông và mức giá thấp hơn có thể đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ ít động lực hơn để chuyển sang dầu.
Kim loại quý: Giá vàng giảm nhẹ
Phiên cuối tuần, giá vàng giảm nhẹ, bất chấp thông tin số lượng việc làm mới trong tháng Chín thấp hơn nhiều so với dự đoán. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.758,86 USD/ounce, sau khi đạt 1.781,2 USD/ounce – cao nhất kể từ ngày 22/9/2021, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 0,1% xuống 1.757,4 USD/ounce.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ ghi nhận thêm 194.000 việc làm mới trong tháng 9/2021, thấp hơn đáng kể so với dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của tờ The Wall Street Journal là 500.000 việc làm. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp số liệu việc làm không đạt được kỳ vọng.
Jason Teed, nhà quản lý danh mục đầu tư của quỹ Gold Bullion Strategy Fund (Mỹ), nhận xét rằng số liệu việc làm "đáng thất vọng" cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể chưa đủ "tín hiệu " để Fed thu hẹp gói kích thích kinh tế và tăng lãi suất. Điều này hỗ trợ giá vàng tăng. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều tháng, vượt 1,6% đã gây áp lực giảm giá vàng.
Ken Ford, chủ tịch của công ty tư vấn Warwick Valley Financial Advisors (Mỹ) nhận xét, số liệu việc làm cho thấy nền kinh tế đang phục hồi chậm lại nhưng điều tệ hơn là số lượng người lao động quay trở lại thị trường việc làm ngày càng giảm và các công ty đang phải trả mức lương cao hơn để thu hút nhân viên, điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại về xu hướng nền kinh tế đình trệ trong khi lạm phát cao. Vàng là một số ít loại tài sản vẫn giữ được giá trị trong những tình huống như vậy trong quá khứ.
Về những kim loại quý khác, giá bạch kim và palladium đều tăng trong phiên cuối tuần, tăng lần lượt 4,1% lên 1.019,74 USD và 5,8% lên 2.073,52 USD, trong khi bạc tăng 0,5% lên 22,70 USD.
Kim loại công nghiệp: Giá biến động trong tuần qua
Giá đồng và các kim loại công nghiệp khác tăng trở lại trong phiên cuối tuần sau số liệu việc làm Mỹ suy yếu khiến đồng USD giảm. Đồng USD suy giảm, khiến hàng hóa mua bằng đồng bạc xanh rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Kết thúc phiên này, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,8% lên 9.355,5 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 9.232,5 USD/tấn; giá nickel tăng 5,2% lên 19.215 USD/tấn, do hoạt động mua bù thiếu; giá kẽm tăng 3,5% lên 3.157,5 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 3.179 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 6/2018. Kẽm là một trong những kim loại chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng Trung Quốc.
Giá nhôm phiên này cũng tăng 0,7% lên 2.967,50 USD / tấn, chì tăng 2,3% lên 2.223 USD và thiếc tăng 2,5% lên 36.150 USD.
Tính chung cả tuần, các kim loại cơ bản đều tăng.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc kết thúc phiên cuối tuần - ngày giao dịch đầu tiên sau tuần nghỉ lễ ở nước này - đạt mức cao nhất một tháng trong bối cảnh những người tham gia thị trường lạc quan về triển vọng nhu cầu đối với nguyên liệu thô tại nước sản suất thép hàng đầu thế giới.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) kết thúc phiên tăng 4,9% lên 762,50 nhân dân tệ (118,24 USD)/tấn sau những giờ giao dịch biến động mạnh. Trong phien, có lúc giá đạt 769 nhân dân tệ, cao nhất kể từ ngày 6 tháng 9.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 11 trên sàn Singapore kết thúc phiên 8/10 tăng 5,8% lên 124,25 USD/tấn. Giá quặng sắt nhập khẩu, loại 62% sắt, đã giảm 49% xuống 118,50 USD/tấn vào cuối tháng 9, từ mức cao kỷ lục 232,50 USD vào ngày 12/5 do nhu cầu của Trung Quốc giảm.
Cũng trong phiên 8/10, giá thép thanh vằn - sử dụng trong lĩnh vực xây dựng - trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 1,8%, trong khi thép cuộn cán nóng - dùng trong sản xuất - tăng 1,9%; thép không gỉ tăng 4,7% so với phiên giao dịch gần đây nhất. Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại rằng các lò điện hồ quang - sử dụng phế liệu sắt để sản xuất thép - có thể bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với ngành sản xuất thép sẽ phải tăng sản lượng từ cá lò cao - sử dụng nguyên liệu quặng sắt.
Tuy nhiên, sự biến động của thị trường cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang trong trạng thái "mong manh" do thị trường đang bộn bề những dấu hiệu khó khăn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 1/4 nhu cầu thép trong nước.
Chiến lược gia hàng hóa cao cấp của ANZ, Daniel Hynes, cho biết: “Với việc các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn do mức nợ cao, ít có khả năng nhu cầu đối với thép và quặng sắt sẽ mạnh mẽ”.
Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng thép của Trung Quốc do chính sách khử cacbon của nước này vẫn là nỗi lo lớn hơn cả.
Nhà phân tích Vivek Dhar của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho biết: “Chúng tôi dự báo sản lượng thép của Trung Quốc sẽ tiếp tục chịu áp lực cho đến hết quý 1 năm 2022, vì các nhà chức trách nước này muốn tổ chức Thế vận hội mùa đông 'xanh' vào tháng 2".
Nông sản: Giá đường và cao su tăng trong tuần, các hàng hóa khác giảm
Thị trường nông sản vừa trải qua một tuần biến động khá mạnh. Tính chung cả tuần, giá cao su và đường tăng, trong khi ngũ cốc và cà phê giảm.
Trên thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn tương lai giảm trong phiên cuối tuần, trong đó giá lúa mỳ giảm mạnh nhất.
Chốt phiên này, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2021 giảm 4-1/4 US cent xuống 12,43 USD/bushel và giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 3-1/2 US cent xuống 5,3-1/2 USD/bushel. Giá lúa mì đỏ, mềm vụ đông kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 7-1/4 US cent xuống 7,34 USD/bushel, trong khi giá lúa mì mùa xuân kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 4-1/4 US cent lên 9,46-1/2 USD/bushel.
Vụ thu hoạch ngô và đậu tương ở Mỹ sẽ đạt gần 50% vào đầu tuần tới. Các nhà quản lý quỹ đang hoãn việc mua hàng trong bối cảnh đợi Báo cáo vụ mua của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vào ngày 12/10.
Khối lượng giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago, Mỹ (CBOT) hạn chế. Thị trường Argentine nghỉ phiên 8/10, và thị trường Brazil sẽ nghỉ vào ngày 12/10
Hiện giá ngô và đậu tương ở Mỹ là rẻ nhất thế giới, sẽ thu hút nhu cầu nhập khẩu mới. Công ty nghiên cứu nông nghiệp AgResource dự đoán Trung Quốc và nhiều nước khác sẽ là khách hàng mua tích cực hơn trong tuần tới.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống mức dưới 6%, giữa bối cảnh dịch COVID-19 của biến thể Delta bùng phát và hoạt động logistics chậm trễ.
Cũng trong phiên cuối tuần, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 0,45 US cent tương đương 2,3% lên 20,29 US cent/lb; giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn London tăng 9,2 USD tương đương 1,8% lên 519,7 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica tăng do tồn trữ tại ICE chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5/2021 (1,94 triệu bao), sau khi giảm mạnh từ mức 2,16 triệu bao giữa tháng 9/2021, điều này cho thấy nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn ICE phiên cuối tuần tăng 3,45 US cent tương đương 1,7% lên 2,0135 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn London giảm 2 USD tương đương 0,1% xuống 2.117 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất 3 tháng, khi thị trường chứng khoán Tokyo và Trung Quốc tăng, thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào, trong khi kỳ vọng các biện pháp kích thích kinh tế mới bởi chính phủ mới Nhật Bản cũng hỗ trợ giá.
Phiên 8/10, giá cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Osaka tăng 7,5 JPY tương đương 3,5% lên 221,6 JPY (2 USD)/kg, trước đó trong phiên giá cao su đạt 233,1 JPY/kg – cao nhất kể từ ngày 30/6/2021. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng 5%; cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 300 CNY tương đương 2,1% lên 14.355 CNY (2.226 USD)/tấn, sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 1 tuần.
Giá hàng hóa thế giới tuần qua

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Thairiceexporters)