Để kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước cuối năm nay như tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Hà Nội hôm qua 7-8, 12 nước thành viên TPP phải đạt được đồng thuận về nhiều vấn đề nhạy cảm, trong đó vấn đề ít được nói tới nhưng hết sức quan trọng là nguyên tắc về xuất xứ hàng hóa.

Nguyên tắc này quy định, để được miễn giảm thuế nhập khẩu, hàng hóa trao đổi giữa các nền kinh tế thành viên TPP phải được sản xuất hoặc lắp ráp từ linh kiện do các nước TPP sản xuất, không sử dụng linh kiện từ các nước bên ngoài TPP.

Sản phẩm dệt may chẳng hạn – thế mạnh của Việt Nam – muốn được miễn thuế khi xuất vào thị trường Mỹ thì phải tuân theo nguyên tắc “yarn forward” (từ sợi trở đi), nghĩa là mọi thành phần vải sợi, phụ liệu đều phải do Việt Nam sản xuất hoặc nhập khẩu từ các nước TPP khác, không chấp nhận linh kiện, phụ liệu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và các nước ngoài TPP.

Sản phẩm điện thoại di động và linh kiện máy tính cũng phải tuân theo nguyên tắc tương tự.

Tuy nhiên, đến mặt hàng xe hơi, nguyên tắc xuất xứ hàng hóa này lại gây bất đồng lớn giữa 4 “ông lớn” trên bàn đàm phán TPP là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada và Mexico.

Nhật Bản – cường quốc xe hơi hàng đầu thế giới – đề nghị miễn giảm thuế xe hơi nhập khẩu vào thị trường Mỹ và các nước TPP khác khi những chiếc xe đó có từ 30% linh kiện, phụ tùng sản xuất ở Nhật và các thành viên TPP. Hoa Kỳ không chấp nhận đề nghị đó và đưa ra mức tối thiểu 55% và sau nhiều vòng thương lượng song phương, tại hội nghị Hawaii đầu tháng này, hai nước đã đồng thuận một tỷ lệ không công bố nhưng thấp hơn 55% và cao hơn 30%.

Ngay cả với mức 55% (tức là còn 45% linh kiện phụ tùng được phép nhập khẩu từ các nước bên ngoài TPP) như đề nghị của Mỹ thì ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản đã thắng lợi lớn bởi vì Nhật đã đầu tư những cơ sở sản xuất phụ tùng, linh kiện xe hơi rất lớn ở Thái Lan, Indonesia... là những nền kinh tế bên ngoài TPP.

Thỏa thuận Nhật-Mỹ về nguyên tắc xuất xứ xe hơi đã gây bất ngờ cho Canada và Mexico; cả hai nền kinh tế này đều có ngành công nghiệp sản xuất xe hơi và phụ tùng xe hơi khá phát triển và đều muốn chia phần chiếc bánh ngon là thị trường xe hơi Mỹ.

Báo Globe and Mail (Canada) ngày 7-8 cho biết, sau thất bại của hội nghị tại Hawaii, các nhà thương thuyết của Canada đã vận động Mexico cùng lập ra một kế hoạch chung để đàm phán về xe hơi với mục tiêu ngăn Nhật Bản và Mỹ sử dụng linh kiện, phụ tùng xe hơi từ các nước bên ngoài TPP. Nội dung kế hoạch này chưa được tiết lộ, song chắc chắn Canada và Mexico sẽ không chấp nhận tỷ lệ xuất xứ mà Mỹ và Nhật đã đồng thuận.

Như vậy, ngoài vấn đề bản quyền dược phẩm, tự do hóa thị trường sữa đang vướng mắc, vấn đề nguyên tắc xuất xứ hàng hóa ở một loạt các mặt hàng cũng đang là rào cản lớn trong đàm phán TPP.

Nguyên tắc “yarn forward” đối với sản phẩm dệt may đã được nói tới từ lâu. Và trong lúc các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức đầu tư toàn bộ quy trình sản xuất, từ bông sợi đến sản phẩm dệt may hoàn chỉnh thì các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, đã nhanh chân đổ vốn vào Việt Nam xây dựng các nhà máy dệt nhuộm cung cấp cho các công ty may trong nước, đón đầu cơ hội mà hiệp định TPP sẽ mang lại.


Ở mặt hàng điện thoại di động và máy tính, các tập đoàn Microsoft, Samsung cũng có những chiến lược tương tự khi mạnh dạn đầu tư vào nước ta những dự án có số vốn rất lớn và chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong vài năm gần đây.

Ngành sản xuất xe hơi của Việt Nam mở cửa đã lâu, bảo hộ cũng rất quyết liệt với đủ loại chiến lược dài ngắn nhưng xem ra không phát triển nổi. Liệu TPP có mang lại cơ hội để các tập đoàn xe hơi lớn như Toyota, Honda, Ford… tính tới chuyện đầu tư sản xuất phụ tùng, linh kiện ở Việt Nam, làm ra những chiếc xe “made in Vietnam” đáp ứng nguyên tắc xuất xứ và đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu vào các thị trường TPP với thuế suất ưu đãi hay không là điều mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế nên lưu ý nếu không muốn một lần nữa đánh mất cơ hội.


Nguồn: TBKTSG